Home

CHÂM CỨU HỌC- CẤU TẠO, TÁC DỤNG - Châm Cứu - Huyệt Vị

A. ĐỊNH NGHĨA

Châm cứu là gì ?

Châm cứu là một phương pháp phòng bệnh, chữa bệnh của y học cổ truyền với cơ sở lý luận là học thuyết kinh lạc và vị trí tác động là huyệt. Châm là dùng kim châm vào huyệt, cứu là dùng sức nóng cứu trên huyệt để điều khí và giảm đau nhằm mục đích phòng bệnh và chữa bệnh. Có thể coi châm cứu là phương pháp lý liệu cổ truyền.

B. HỌC THUYẾT KINH LẠC

1. Đại cương

Kinh lạc là gì ?
Kinh lạc là đường tuần hoàn của khí huyết, là hệ thống liên lạc nối liền bên trong với bên ngoài để duy trì sự sống, nuôi dưỡng phần vật chất, duy trì hoạt động chức năng của cơ thể. Nó gồm có kinh mạch và lạc mạch. Kinh là đường đi dọc sâu ở trong cơ, lạc là mạng lưới phân bố toàn thân.
2. Cấu tạo của hệ kinh lạc như sau

  Kinh mạch  12 kinh chính: đi dọc giữa các bắp thịt khó nhìn thấy
12 kinh nhánh: tách từ các kinh chính ra 8 mạch; không thuộc kinh chính,
Kinh lạc Lạc mạch 15 lạc lớn
lạc mạch: tách từ lạc lớn đi ngang, đi
nổi ở nông
lạc mạch nhỏ: tách từ lạc mạch, phù lạc, huyết lạc
  Bộ phận phụ thuộc bên trong có: tạng phủ
bên ngoài có: hệ gân cơ (12 kinh cân)
da (12 khu da).

3. Tác dụng của kinh lạc
a. Về sinh lý
- Kinh lạc là đường đi của khí huyết để đi nuôi dưỡng toàn thân.
- Kinh lạc là hệ thống liên lạc nối liền bên trong với bên ngoài cơ thể; con người với tự nhiên làm cho con người thành một thể thống nhất, con người thích ứng tốt thiên nhiên.
b. Về bệnh lý
- Kinh lạc là nơi bệnh tà xâm nhập vào cơ thể và truyền từ ngoài vào trong cơ thể (khi bệnh ngày một nặng) hoặc từ trong ra ngoài cơ thể (khi bệnh nhẹ dần và khỏi).
- Kinh lạc là nơi phản ánh tình trạng bệnh tật của tạng phủ.
c. Về chẩn đoán
- Dựa vào vị trí bệnh để xác định đường kinh, và tạng phủ bị bệnh (theo sự phân bố của 14 kinh mạch và sự quan hệ của chúng với tạng phủ).
- Dựa vào thay đổi bệnh lý của đường kinh để xác định bệnh thuộc kinh nào (bằng cách ấn vào các huyệt tìm điểm ấn đau, đo điện trở da ở huyệt, đo mức nhậy cảm với nhiệt của huyệt tỉnh, nhìn thay đổi màu sắc của đường kinh...)
d. Về điều trị
- Dựa vào chẩn đoán chỉ đạo việc dùng thuốc, quy kinh của các vị thuốc trong điều trị.
- Chỉ đạo việc dùng huyệt châm cứu trong điều trị.

C. HUYỆT

1. Định nghĩa
Huyệt là nơi sinh khí ra vào huyệt nằm ở da.
2. Có nhiều loại huyệt
a. Huyệt của 12 kinh chính và 2 mạch nhâm đốc (gọi chung là 14 kinh)
b. Huyệt ở ngoài đường kinh, không phải của kinh nào.
c. Huyệt a thị (chỗ nào đau, chỗ đó là huyệt) vì vậy huyệt a thị không có vị trí nhất định, chỉ xuất hiện khi có bệnh và mất đi khi hết bệnh.
3. Vị trí của huyệt
Ở mặt da, và thường ở các chỗ: khớp, trước và sau khớp, trên và dưới khớp, giữa hai gân, chỗ lõm cạnh một gân, giữa gân và xương, giữa các bắp cơ, chỗ cơ chuyển thành gân, chỗ mạch.
4. Tác dụng của huyệt
a. Về sinh lý: là nơi sinh khí ra vào, nơi dừng lại của vệ khí, nơi tụ hội của khí và tạng phủ.
b. Về bệnh lý: là nơi tác động vào cơ thể của tà khí, là nơi phản ánh bệnh tật của tạng phủ và cơ thể.
c. Về chẩn đoán: dựa vào thay đổi bệnh lý ở huyệt (ấn đau, điện trở da thấp, độ nhậy cảm với nhiệt độ tăng) để xác định kinh nào hay tạng phủ nào bị bệnh.
d. Về điều trị: là nơi tác động vào để điều hoà chức năng của cơ thể, làm giảm đau giúp cơ thể tự chiến thắng bệnh tật.
5. Cách lấy huyệt
a. Lấy huyệt theo cách phân chia vùng của cơ thể.
Ở đầu
+ Khoé mắt trong đến khoé mắt ngoài là một tấc dùng để đo chiều ngang đầu.
+ Từ điểm giữa hai đầu lông mày (huyệt ấn đường) đến dưới gai sau đốt sống cổ 7 (huyệt đại chuỳ) là 18 tấc, dùng để đo chiều dọc đầu.
Ở ngực bụng
+ Từ bờ xương ức (huyệt thiên đột) đến bờ dưới cung sườn (huyệt trung đình) là 9 tấc, dùng để đo dọc ở ngực.
+ Từ bờ dưới cung sườn (huyệt trung đình) đến rốn (huyệt thần khuyết) là 8 tấc, dùng để đo dọc ở bụng trên.
+ Từ rốn (huyệt thần khuyết) đến bờ trên xương mu (huyệt khúc cốt) là 5 tấc, dùng để đo dọc ở bụng dưới.
+ Từ đầu vú bên này sang đầu vú bên kia là 8 tấc, dùng để đo ngang ở ngực, bụng và cả lưng.
ở lưng
+ Lấy đốt, sống lưng làm mốc để đo dọc lưng.
ở chi trên
+ Từ đầu nếp nách đến giữa khuỷu tay là 9 tấc.
+ Từ giữa khuỷu tay đến giữa nếp gấp cổ tay là 12,5 tấc.
Ở chi dưới
+ Phía trong: từ bờ trên xương mu (huyệt khúc cốt) đến bờ trên lồi củ xương đùi là 18 tấc, từ bờ dưới lồi củ trong xương chày (huyệt ám lăng tuyền) đến điểm cao nhất mắt cá trong (ngang huyệt thái khê) là 13 tấc.
+ Phía ngoài: từ bờ trên mấu chuyển lớn đến khe khớp gối (huyệt túc dương quan) là 19 tấc, từ đây đến điểm cao nhất mắt cá ngoài (ngang huyệt côn lôn) là 16 tấc.
b. Lấy huyệt theo tấc tay
+ Ngón tay giữa và ngón tay cái để đối nhau, đoạn nối đầu hai nếp gấp đốt ngón giữa là một tấc.
+ Bốn ngón tay 2, 3, 4, 5, kẹp sát nhau, chiều ngang của 4 ngón tay này ở vị trí ngang khớp đốt 1, 2, của ngón tay trỏ (ngón 2) là 3 tấc.
c. Lấy huyệt theo mốc giải phẫu
Ví dụ: đầu lông mày là huyệt toản trúc, rốn là huyệt thần khuyết, dưới gai sau đốt sống cổ 7 là huyệt đại chuỳ...

aaa

Các Bài Viết Cùng Chuyên Mục

-