Home

Cảm nhận – suy nghĩ văn bản Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng. - Văn Biểu Cảm - Lớp 6

Cảm nhận

1. Truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng trích trong sách Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, được viết ở nửa đầu thế kỉ XV, trong thời kì tác giả bị quân Minh đưa về Trung Quốc.

 

2.    Với hình thức ghi chép chuyện thật, truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng ca ngợi đức độ của một thầy thuốc giỏi là vị Thái y lệnh họ Phạm ở đời Trần. Vị Thái y lệnh đã ra sức cứu chữa, giúp đỡ người bệnh bằng cả tài năng, tấm lòng và của cải, đặc biệt là với những người bệnh. Truyện tập trung kể về một tình huống gay cấn để bộc lộ tấm lòng và bản lĩnh của vị Thái y lệnh. Ông đã đặt việc cứu một người dân thường đang bị bệnh nguy cấp lên trên việc vào cung vua chữa bệnh cho một quý nhân chỉ bị sốt theo lệnh của nhà vua, coi trọng tính mạng người bệnh mà không quản ngại liên lụy đến tính mạng của mình. Câu chuyện về vị Thái y lệnh họ Phạm là tấm gương sáng về y đức của người thầy thuốc, vừa giỏi nghề vừa hết lòng cứu chữa người bệnh tới mức không sợ quyền uy, không sợ mang vạ vào thân.

3. Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng có thể xem là tiêu biểu cho một lối viết truyện trong văn học trung đại. Truyện có cách viết gần gũi với kí, về người và việc có thực, ít dùng hư cấu, tưởng tượng, không có yếu tố hoang đường, kì ảo. Truyện hấp dẫn bằng việc lựa chọn được một tình huống tiêu biểu, đặt nhân vật vào hoàn cảnh khó khăn phải lựa chọn cách ứng xử, qua đó bộc lộ đức độ và bản lĩnh đáng khâm phục của vị Thái y lệnh.

 

Suy nghĩ 

-    Truyện được rút từ tác phẩm Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446). Ông là con trưởng của Hồ Quý Ly, làm quan dưới triều vua cha, từng hăng hái chống giặc Minh xâm lược, bị giặc Minh bắt đem về Trung Quốc. Nhờ có tài chế tạo vũ khí, ông được làm quan trong triều nhà Minh tới chức Thượng thư (tương đương với chức bộ trưởng ngày nay). Ông qua đời trên đất Trung Quốc.

-    Văn chương chân chính không tách rời đạo đức chân chính. Văn chương bao giờ cũng kết tinh trên cơ sở đạo đức chân chính. Truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng đề cao đạo đức của một bậc lương y theo truyền thống giáo huấn của truyện trung đại.

Thái y lệnh họ Phạm là một bậc lương y chân chính. Ông không những giỏi về nghề nghiệp mà quan trọng hơn là có tấm lòng nhân đức, thương xót và đặt sinh mạng của người dân thường lúc ốm đau lên trên tất cả.

Câu nói của ông đã tự bộc lộ nhân cách và bản lĩnh của người thầy thuốc: “Nếu người kia không được cứu, sẽ chết trong khoảnh khắc, chẳng biết trông vào đâu. Tính mệnh của tiểu thần còn trông cậy vào chúa thượng, may ra thoát”. Rõ ràng, với Thái y lệnh họ Phạm thì quyền uy không thắng nổi y đức. Ông đã đặt tính mệnh của người dân thường đang lâm bệnh nguy cấp lên trên tính mệnh của mình. Câu nói còn thể hiện được tài ứng xử của ông: không theo lệnh vua nhưng vẫn giữ được phận làm tôi. Ông đã khôn khéo đưa nhà vua vào tình huống có lợi cho mình: Nếu vua là người có lương tâm, lương tri thì chắc chắn không trị tội Thái y lệnh. Và quả thực, nhà vua tha cho Thái y lệnh.

 

Điều này chứng tỏ Trần Anh Tông là ông vua nhân đức.

Thắng lợi của Thái y lệnh họ Phạm là thắng lợi của y đức, của bản lĩnh người thầy thuốc, thắng lợi của lòng nhân ái và trí tuệ hơn người.

- Tính hấp dẫn của truyện thể hiện ở chỗ: Tác giả đặt nhân vật vào tình huống gay cấn để làm rõ bản chất, tính cách nhân vật. Cách sắp xếp, dẫn dắt câu chuyện đã gây được hứng thú cho người đọc.

 

Các Bài Viết Cùng Chuyên Mục

Những Bài Văn Hay - Nhung Bai Van Hay

Văn Mẫu Lớp 10
Văn Mẫu Lớp 11
Văn Mẫu Lớp 12
Văn Mẫu Lớp 2
Văn Mẫu lớp 3
Văn Mẫu Lớp 4
Văn Mẫu Lớp 5
Văn Mẫu Lớp 6
Văn Mẫu Lớp 7
Văn Mẫu Lớp 8
Văn Mẫu Lớp 9
Văn Mẫu Biểu Cảm
Văn Mẫu Kể Chuyện
Văn Mẫu Miêu Tả
Văn Mẫu Nghị Luận
Văn Mẫu Ôn Thi Tốt Nghiệp THPT Cao Đẳng Đại Học
Văn Mẫu Phân Tích
Văn Mẫu Thuyết Minh
Văn Mẫu Tự Sự - Kể Chuyện